Trong quá trình thi công xây dựng, nghị định 59/2015/NĐ-CP quy định 4 hình thức tổ chức dự án đầu tư xây dựng. 4 hình thức này gồm có: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành/ khu vực, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án, Thuê tư vấn quản lý dự án và chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án. Mỗi hình hình thức được áp dụng trong những trường hợp cụ thể.
Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án là hình thức khá phổ biến áp dụng cho các dự án nhỏ với yêu cầu kỹ thuật không phức tạp. Đây là hình thức quản lý với nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại khá nhiều bất cập. Cụ thể như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.
Quản lý dự án xây dựng là gì?
Quản lý dự án xây dựng là một hình thức chuyên nghiệp, sử dụng nguồn nhân lực của tập thể để đảm bảo an toàn và chất lượng của công trình trong quá trình xây dựng và khi đưa vào sử dụng. Các thành viên trong Ban quản lý dự án sử dụng kiến thức và các kỹ thuật chuyên môn để lập kế hoạch, thiết kế và xây dựng một dự án ngay từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.
Mục đích quan trọng nhất của quản lý dự án xây dựng chính là đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ dự án theo từng giai đoạn cụ thể. Đảm bảo cho công trình được vận hành một cách tốt nhất trong quá trình đưa vào sử dụng sau này.
Có 4 hình thức quản lý dự án được quy định theo pháp luật bao gồm:
- Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành/ khu vực: Đây là hình thức quản lý được áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và dự án theo chuyên ngành. Hình thức này cũng được áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế hay tổng công ty nhà nước.
- Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án: Áp dụng với các dự án sử dụng vốn nhà nước có quy mô nhóm A, dự án áp dụng công nghệ cao được xác nhận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Hình thức này cũng áp dụng đối với các dự án quốc phòng, an ninh có yêu cầu bảo mật cao cấp nhà nước.
- Thuê tư vấn quản lý dự án: Áp dụng đối với các dự án có vốn ngoài ngân sách nhà nước, vốn khác và các trường hợp cụ thể khi chủ đầu tư không tự quản lý do không đủ tiêu chuẩn theo pháp luật.
- Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án: Áp dụng với các dự án có kinh phí dưới 15 tỷ và bộ máy chủ đầu tư đáp ứng được các yêu cầu theo pháp luật.
Chủ đầu tư được trực tiếp quản lý dự án trong trường hợp nào?
Điều kiện để chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án được quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP, được bổ sung sửa đổi tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 59/2015/NĐ-CP. Theo đó, chủ đầu tư có quyền được thành lập ban quản lý để trực tiếp quả lý dự án khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Công trình xây dựng trên các địa bàn tỉnh/ thành phố có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng.
- Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình, bộ máy trực tiếp quản lý có đủ năng lực, trình độ chuyên môn theo yêu cầu của pháp luật.
- Cá nhân tham gia quản lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc đảm nhận.
- Chủ đầu tư được phép thuê cá nhân/tổ chức có đủ năng lực trong việc giám sát thi công hoặc nghiệm thu chất lượng. Chi phí cho việc này phải được hạch toán riêng theo quy định của pháp luật.
Ưu và nhược điểm đối với hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án
Mỗi hình thức quản lý dự án đều có những ưu và nhược điểm cụ thể. Với hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án cũng vậy. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những ưu và nhược điểm của hình thức này ngay sau đây.
Ưu điểm:
Khi chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án, đồng nghĩa với việc các thành viên trong ban quản lý đã hiểu rõ về bản chất của dự án từ khâu lập kế hoạch đến thiết kế và các chi tiết quan trọng. Bởi vậy, đây là một hình thức chứa nhiều ưu điểm đáng kể.
- Tiết kiệm chi phí nhân lực: Nguồn nhân lực được tận dụng ngay trong bộ máy chủ đầu tư, nên rút gọn được phần chi phí thuê ngoài.
- Quy trình đơn giản: Khi chủ đầu tư quản lý dự án, đơn vị thi công sẽ trực tiếp làm việc với các thành viên trong bộ máy quản lý mà không thông qua các bộ phận khác. Điều này giúp rút gọn được các quy trình không cần thiết, tiết kiệm thời gian hiệu quả.
- Tiết kiệm thời gian: Khi rút gọn được quy trình và nguồn nhân lực, việc giải quyết các vấn đề trở nên nhanh hơn. Đây là một ưu điểm rất quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng vẫn đảm bảo được các yêu cầu về kỹ thuật chất lượng.
Nhược điểm:
Bên cạnh những ưu điểm thiết thực, thì hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án cũng tồn tại những nhược điểm đáng kể, cụ thể:
- Yêu cầu cao về chuyên môn đối với nguồn lực quản lý: Một trong những điều kiện để chủ đầu tư được phép trực tiếp quản lý dự án đó là cá nhân tham gia quản lý phải có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc đảm nhận. Bởi vậy, để quản lý theo hình thức này, yêu cầu về chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm là rất cao.
- Cá nhân phải kiêm nhiệm nhiều loại công việc: Khi vừa làm chủ đầu tư lại vừa tham gia ban quản lý dự án, các cá nhân làm công việc quản lý phải kiêm nhiệm nhiều đầu mục công việc. Điều này gây áp lực khá nhiều cho thành viên trong ban quản lý dự án.
Trên đây là những điều cần biết và các ưu nhược điểm của hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án. Chúng tôi hy vọng những thông tin này sẽ có ích đối với bạn đọc trong việc học tập cũng như công việc của mình. Xin cảm ơn!