Công đoàn là một hệ thống chính trị – xã hội của Việt Nam, đại diện cho người lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của họ. Đoàn viên và công đoàn có trách nhiệm đóng phí hàng tháng theo quy định của pháp luật. Nguồn kinh phí này được công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên (hay còn gọi là Liên đoàn lao động quận/huyện) sử dụng theo tỷ lệ nhất định. Định kỳ hàng quý hoặc hàng năm, công đoàn cấp trên sẽ cử đại diện về kiểm tra hồ sơ tài chính tại công đoàn cơ sở theo quy định. Biên bản kiểm tra tài chính công đoàn cơ sở sẽ được lưu lại, phục vụ cho công tác đánh giá sau này.
Vậy, nguồn tài chính công đoàn và những vấn đề liên quan đến công tác kiểm tra tài chính là như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.
Tài chính công đoàn là gì?
Theo Luật công đoàn, tài chính công đoàn là điều kiện bảo đảm cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn. Bên cạnh đó, đây cũng là phương pháp để duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn.
Nguồn thu định kỳ của tài chính công đoàn.
Tài chính ngân hàng được thu từ các nguồn gồm:
- Đoàn phí công đoàn: Chỉ có đoàn viên công đoàn cơ sở mới đóng phí công đoàn. Mức đóng bằng 1% lương đóng BHXH (đối với cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) và bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, thuế TNCN của đoàn viên) đối với doanh nghiệp nhà nước.
- Kinh phí công đoàn: Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ.
- Các nguồn thu khác.
Các khoản phải chi của tài chính công đoàn.
Tài chính công đoàn được sử dụng cho việc thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn. Trong đó, điển hình là các hoạt động sau:
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối của Đàng và Nhà nước, nâng cao năng lực chính trị và năng lực chuyên môn.
- Tổ chức các hoạt động với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động.
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, phong trào thi đua trong công ty.
- Động viên, thăm hỏi, khen thưởng, trợ cấp cho người lao động trong những trường hợp đặc biệt.
- Trả lương cho cán bộ phụ trách công đoàn, phụ cấp trách nhiệm cho một số cán bộ công đoàn không chuyên trách.
Nhiệm vụ của bộ máy quản lý tài chính công đoàn cơ sở.
Bộ máy quản lý tài chính công đoàn cơ sở được thành lập dựa trên sự bình bầu của các đoàn viên trong cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp. Bộ máy gồm có:
- Chủ tịch công đoàn: Đảm nhiệm luôn vai trò chủ tài khoản.
- Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên thường vụ phụ trách công tác tài chính, ủy quyền chủ tài khoản trong trường hợp cơ quan/doanh nghiệp có đông đoàn viên.
- Kế toán công đoàn
- Thủ quỹ công đoàn.
- Ủy viên BCH công đoàn: Phụ trách công tác thu nộp phí công đoàn, thanh quyết toán các khoản chi.
Bộ máy quản lý tài chính công đoàn có nhiệm vụ tổ chức thực hiện dự toán. Trong đó có các nhiệm vụ quan trọng như đôn đốc thu nộp phí công đoàn, xây dựng quy chế thu chi tài chính và trình duyệt lên BCH công đoàn cơ sở. Bộ máy quản lý tài chính công đoàn cũng chịu trách nhiệm trong việc lập báo cáo quyết toán thu-chi trình Ban Chấp hành công đoàn cơ sở thông qua để gửi lên công đoàn cấp trên.
Cac hồ sơ chứng từ liên quan đến tài chính công đoàn cơ sở được bộ máy quản lý tài chính lưu trữ lại một cách cẩn thận và chi tiết để phục vụ quá trình kiểm tra định kỳ sau này.
Quy trình và biên bản kiểm tra tài chính công đoàn cơ sở.
Quy trình kiểm tra tài chính công đoàn được quy định trên cơ sở các quy định chung của Nhà nước và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo đó, quy trình kiểm tra gồm có các bước cụ thể như sau.
- Chuẩn bị kiểm tra.
- Thực hiện kiểm tra
- Kết thúc kiểm tra.
Mỗi bước đều chứa đựng các quy trình nhỏ bên trong và mang những trọng trách lớn trong quá trình kiểm tra tài chính công đoàn cơ sở.
Ở bước chuẩn bị, chúng ta cần thu thập thông tin và lập kế hoạch một cách chính xác và cụ thể, từ đó, các bước tiếp theo sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Đoàn kiểm tra cần công bố trước khi thực hiện kiểm tra, chậm nhất là 15 ngày làm việc. Quá trình kiểm tra sẽ tiến hành so sánh, đối chiếu số liệu giữa các chứng từ, hồ sơ liên quan. Đoàn kiểm tra cần xác minh tính hợp pháp của các loại hồ sơ, chứng từ và tài liệu có liên quan để công tác kiểm tra đánh giá đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Bước kết thúc kiểm tra chính là bước lập biên bản kiểm tra tài chính công đoàn cơ sở. Ở bước này, kết quả của đợt kiểm tra được ghi chép cụ thể trong biên bản kiểm tra và có xác nhận của những người tham gia.
Lập biên bản kiểm tra tài chính công đoàn cơ sở
Biên bản kiểm tra được lập theo biểu mẫu có sẵn, được ban hành bởi Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Biên bản có các mục quan trọng như sau:
- Thông tin thành phần tham dự: Cần ghi đầy đủ thông tin, chức vụ và đơn vị.
- Số liệu cơ bản: Tổng số đoàn viên/tổng số lao động, tổng quỹ lương thực trả, thu bình quân đoàn phí, …
- Tình hình thực hiện quỹ công đoàn: Ghi chép cụ thể các khoản thu (bao gồm cả chi phí thừa của quý trước mang sang) – chi (bao gồm khoản phí phải đóng về công đoàn cấp trên) đã đối chiếu với chứng từ liên quan.
- Chi phí còn dư mang sang quý sau cùng những nhận xét cần được ghi chép rõ ràng và cụ thể theo mẫu.
- Những người có trách nhiệm tiến hành ký xác nhận vào biên bản. Biên bản được lập thành 4 bản giống nhau và lưu lại phục vụ các đợt thanh tra sau này.
Trên đây là những thông tin về quy trình và biên bản kiểm tra tài chính công đoàn cơ sở. Hy vọng, những thông tin này sẽ hữu ích trong công việc của chúng ta khi cần. Xin cảm ơn!